Thế nhưng hôm qua, truyền thông Chúa Cứu Thế đã đưa tin “An ninh bộ gặp cô Đỗ Thị Minh Hạnh trước khi xuất cảnh” kèm theo một đoạn ghi âm cuộc đối thoại giữa cơ quan an ninh và cô Minh Hạnh. Theo đó, các nhân viên an ninh yêu cầu Minh Hạnh làm cam kết sẽ không vi phạm pháp luật nước sở tại (nước Áo) cũng như không được cấu kết với các tổ chức nước ngoài để chống phá nhà nước. Nếu không làm đúng cam kết cô sẽ không được xuất cảnh hoặc không bao giờ được trở về Việt Nam nữa.
“Nếu không đàng hoàng, cho đi không cho về, tôi nói cho chị biết như vậy nhé. Không phải muốn làm gì thì làm. Có thể cho đi, nhưng không bao giờ cho về, không bao giờ thấy mặt quê hương, không bao giờ thấy mặt gia đình nữa nhé. Nếu tốt, thì cho đi, cho về. Nếu không tốt, cho đi, không cho về, hoặc là không cho đi”
“Không phải muốn về là về, muốn đi là đi nhé. Đất nước này là đất nước có chủ quyền giống như nhà vậy đó. Ai muốn vào nhà, muốn ra khỏi nhà phải xin phép chủ nhà. Chứ không phải là muốn ra thì ra, muốn vào thì vào.”
Thời gian qua, đã có rất nhiều nhà hoạt động nhân quyền khác bị cấm xuất cảnh một cách tùy tiện như Phạm Chí Dũng, Nguyễn Lân Thắng, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh… Việc làm này của cơ quan an ninh, bộ công an đi ngược lại với những gì Việt Nam đã cam kết khi trở thành thành viên của hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc cuối năm 2013.
Điều 13 Tuyên ngôn quốc tế Nhân quyền nêu rõ: “Mọi người đều có quyền rời khỏi lãnh thổ bất kỳ nước nào, kể cả nước của mình, và quyền trở về xứ sở.”
Điều 12 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, khoản 2,3,4:
• Mọi người đều có quyền tự do rời khỏi bất kỳ nước nào, kể cả nước mình .
• Những quyền trên đây sẽ không phải chịu bất kỳ hạn chế nào, trừ những hạn chế do luật định và là cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức xã hội hoặc các quyền tự do của người khác, và phải phù hợp với những quyền khác được Công ước này công nhận.
• Không ai bị tước đoạt một cách tuỳ tiện quyền được trở về nước mình
Đỗ Thị Minh Hạnh là thành viên của tổ chức Lao Động Việt, hoạt động đấu tranh đòi hỏi các quyền và lợi ích chính đáng của người lao động. Năm 2010, Minh Hạnh bị kết án 7 năm tù giam cùng với Đoàn Huy Chương và Nguyễn Hoàng Quốc Hùng. Cô vừa được trả tự do vào đầu năm 2014. Được biết Minh Hạnh được một số tổ chức nhân đạo tại Áo bảo lãnh để sang thăm mẹ là bà Trần Thị Ngọc Minh đang bệnh nặng.
Cô đã đáp chuyến bay từ Tân Sơn Nhất lúc 23h ngày 15/10/2014, và đến Áo khoảng 19 giờ ngày 16/10. Lịch trình cô ở Áo khoảng 15 ngày với lời hứa sẽ trở về Việt Nam tiếp tục đấu tranh cho dân chủ nhân quyền.
Đỗ Thị Minh Hạnh gặp gia đình tại sân bay Vienne, thủ đô Áo. Ảnh: Nguyễn Khắc Long