Pham Doan Trang
LÀM NHỤC CÔNG DÂN BẰNG SỰ NGU DỐT CÓ CHỦ Ý VÀ DO TẬP LUYỆN
Để luật An ninh mạng được thông qua tốt đẹp, nhà nước công an trị đã huy động tới gần 500 con rối vào vai “đại biểu của dân”, trong đó, ngay cả những con rối to đầu nhất, một trong những nhân vật cầm đầu vở diễn – tướng Võ Trọng Việt – còn phát âm Facebook thành “pha-ke-bóc”.
Lại nhớ hồi tháng 3/2016, tại phiên sơ thẩm xử blogger Ba Sàm và cộng sự Minh Thuý, Bộ Công an cho dùng một hội đồng xét xử với ngài thẩm phán Nguyễn Văn Phổ và hai hội thẩm viên già nua, đều là những người mù tịt về CNTT, về Internet, về blog và mạng xã hội…
Hội đồng thậm chí còn phát âm sai những từ mà ngay cả đứa trẻ cũng có thể đọc được, ví dụ gmail được các thánh đọc thành “GỜ MAI”. Còn từ “wordpress” với Hội đồng thì quả là một thử thách.
Một nhân viên an ninh của Bộ Công an, Thiếu tá Nguyễn Thị Yến, cười hi hi cho biết, cơ quan an ninh đã đến gặp và “làm việc” kỹ với ông Nguyễn Văn Phổ – thẩm phán, chủ tọa phiên tòa. “Ông ấy kêu ‘tôi chả biết mạng mẽo gì đâu, chả dùng Facebook, chả bao giờ lên mạng’. Thế càng tốt, đỡ rác tai” – Yến bảo.
Xử một người như Nguyễn Hữu Vinh, một blogger đi tiên phong trong việc dùng mạng Internet để khai dân trí, mà lại dùng những thẩm phán không sử dụng mạng và không biết đọc từ “wordpress”, không đọc nổi cả từ “gmail”.
Bấm nút thông qua một đạo luật ảnh hưởng tới hàng chục triệu người dùng Internet, ít nhất 40 triệu người dùng Facebook ở Việt Nam, là những kẻ không bao giờ dám vào mạng, nghĩ về mạng như một thế giới “hết sức phức tạp và nguy hiểm”, và gọi Facebook là pha-ke-bóc.
Dùng kẻ ngu để vô hiệu hóa, tầm thường hóa tri thức, làm nhục trí thức và mọi tiếng nói phản biện; đồng thời để dễ bề sai khiến, giật dây trong việc hoạch định chính sách – đó là chiến thuật mà chính quyền công an trị vẫn sử dụng suốt nửa thế kỷ nay. Chúng ta vẫn còn nhớ Chuyện kể năm 2000, trong đó, nhân viên công an hỏi cung một nhà văn về tác phẩm của ông ta, đã hí hoáy viết: “CON RẾ trong căn buồng ông thuyền trưởng”.
Nhà văn rầu rĩ: “Tao thật sự chán ngán. Lấy cung một người viết văn mà những chữ bình thường nhất cũng viết sai chính tả”.
Thế gọi là làm nhục công dân bằng sự ngu dốt (có chủ ý và do tập luyện) đó.
————
Ngày hôm qua (12/6/2018), sau khi Quốc hội bù nhìn diễn xong vở kịch nhan đề “bấm nút thông qua luật An ninh mạng”, tôi có viết rằng tôi sẽ “không thay đổi gì cả” sau việc này, nghĩa là sẽ tiếp tục đả kích không khoan nhượng cái đảng độc tài đang cầm quyền và những kẻ đang cắm đầu cúi mặt bảo vệ cho nó.
Hôm nay, tôi thấy tôi viết vậy là sai, phải sửa lại: Tôi sẽ còn đả kích dữ dội hơn, cũng như nguyền rủa và làm đủ cách để vạch mặt cái đảng độc tài đang cầm quyền cùng những kẻ đang cắm đầu cúi mặt phục vụ nó, bảo vệ nó.
Ngu dốt không có tội, nhưng ngu dốt cộng với tàn bạo, đểu giả, bán nước thì là trọng tội. Đối với những kẻ như vậy, không chửi, không nguyền rủa nó phí đi.
TÔI COI KHINH LUẬT AN NINH MẠNG
Hôm nay (12/6/2018), sau khi cái quốc hội bù nhìn của đám đại biểu đảng cử, đảng quán triệt bầu kia thông qua luật An ninh mạng, liệu những tiếng nói phản biện hoặc chỉ đơn giản là những lời oán thán, thở than về cuộc sống ở xứ độc tài này còn tồn tại không?
CÒN CHỨ. Đơn giản bởi vì quyền được viết, được nói, được chia sẻ quan điểm, cảm xúc là quyền gắn bó với từng cá nhân mỗi người từ khi chúng ta ra đời đến lúc chúng ta chết đi. Không thế lực nào có thể làm chúng ta câm miệng được, thần thánh cũng như ma quỷ. Huống chi trong trường hợp này, không phải thần thánh hay ma quỷ gì mà chỉ là một lũ người tăm tối, ngu muội, đang phè phỡn trong thứ quyền lực mà chúng cướp được của nhân dân, và đang vẫy vùng trong quyền lực ấy vào những năm tháng giãy chết của chúng.
Những người nào vốn sợ tà quyền thì đã sợ rồi. Suy cho cùng, chưa có luật An minh mạng thì an ninh cũng đã bắt bỏ tù hàng trăm blogger kia mà. Còn những người nào vốn đã không sợ thì càng chẳng có lý do gì để sợ những kẻ họ đã quá khinh bỉ.
Về mặt kỹ thuật, hoàn toàn có những cách khả thi để người dùng Internet ở Việt Nam tự bảo vệ mình khỏi luật pháp của tà quyền. (Nghe thật mỉa mai cho hai từ luật pháp, bởi bản chất luật pháp là để bảo vệ tự do của người dân chứ đâu phải công cụ để độc tài thi hành chuyên chính). Tường lửa cao đến mấy cũng có cách vượt, mật mã phức tạp đến mấy cũng có cách giải mã, thì tương tự, cũng chẳng khó khăn đến mức tuyệt vọng cho hàng triệu người dân dùng kỹ thuật giấu IP, tự bảo vệ mình mà vẫn có thể sử dụng mạng để thực thi quyền tự do thông tin, tự do biểu đạt của mình.
Về mặt luật pháp, không ai có thể nắm chặt tay từ tối đến sáng, không kẻ độc tài nào có thể kiểm soát 100% đời sống của nhân dân, kể cả trong chế độ toàn trị như Việt Nam. Đơn giản là chúng không đủ nguồn lực, nhất là trong tình trạng kinh tế sa sút, ngân sách thâm hụt, lòng dân đổ vỡ ở Việt Nam hiện nay. Sau khi luật An ninh mạng được thông qua, liệu an ninh ra quân ồ ạt được mấy tuần? Một vài chục người lên tiếng còn có thể bị bắt lẻ tẻ, tới hàng trăm người lên tiếng thì an ninh còn đủ đồn và lính để bắt dân về “làm việc”, còn đủ nhà tù để nhốt dân, còn đủ tiền để thuê dân phòng, tổ trưởng dân phố hay tổ phụ nữ “xuống cơ sở” giáo huấn dân không?
Về phần mình, tôi biết tôi sẽ chẳng thay đổi gì cả, nghĩa là sẽ tiếp tục đả kích không khoan nhượng cái đảng độc tài đang cầm quyền và những thế lực đang cắm đầu gục mặt bảo vệ nó mà chống lại nhân dân. Tôi cũng sẽ rất vui nếu có thể trở thành một trong những người đầu tiên vào tù vì cái gọi là “luật An ninh mạng” của nhà nước CHXHCN Việt Nam.
Làm dân ở một xứ độc tài nghĩa là có những người phải chấp nhận mất mát chỉ để vạch mặt những tội lỗi của nhà cầm quyền. Như vô số công dân vô tội đã chết, đã ngồi tù hay đã hoá điên vì phải là nạn nhân của những chính sách hay những lần thay đổi chính sách tăm tối, đểu giả của “đảng và nhà nước”. Như hàng chục người ứng cử độc lập đã chấp nhận sự sỉ nhục để tranh cử và chứng minh bản chất đê tiện của đảng Cộng sản cũng như trò hề bầu cử mà đảng bày ra. Như hàng trăm blogger đã và đang ngồi tù để phơi bày sự bạo tàn và hèn hạ của một thể chế chống lại nhân dân. Đó là một điều rất đau đớn nhưng không phải là không có ý nghĩa.
KHI TÀ QUYỀN KHÔNG CÒN BIẾT ĐIỂM DỪNG
Trong suốt hai ngày nay (10-11/6/2018), guồng máy đàn áp của nhà nước công an trị như chỉ tập trung hoàn toàn vào nghĩ mưu tính kế để ăn thua đủ với dân.
Một kinh nghiệm lĩnh hội được từ quan thầy Bắc Kinh trong vụ thảm sát Thiên An Môn 1989, nay được áp dụng triệt để, đó là huy động lực lượng từ các địa phương khác đến làm chủ lực tấn công đàn áp. Thời 1989 ở Bắc Kinh, những người biểu tình mà đại đa số là sinh viên, các trí thức trẻ tuổi ở thủ đô đã kinh ngạc nhận thấy thành phần chính trong những kẻ đàn áp mình là… người từ đâu đó đến. Rất nhiều kẻ sát máu là quân nhân, công an thuộc các nhóm dân thiểu số ở vùng sâu, vốn khó mà có tình cảm với người thủ đô, nhất là trí thức trẻ.
Để đối phó với những người dân ôn hoà và rõ ràng là yếu thế ở Phan Rí, “Đảng và Nhà nước”, cụ thể hơn có lẽ là Bộ Chính trị và Đảng ủy Bộ Công an, đã nhanh chóng xua quân các nơi khác đến và không quên một công tác cực kỳ quan trọng: Nhồi sọ – tức là tuyên truyền, giáo dục – để lực lượng đàn áp đinh ninh rằng họ đang “đấu tranh tiêu diệt thế lực thù địch”, “bảo vệ trật tự xã hội”, “chống bạo động”… chứ hoàn toàn không phải là đang ra tay đàn áp đẫm máu những đồng bào tay không tấc sắt của mình. Đám lính bị nhồi sọ tất nhiên phải rất trẻ – trẻ thì có sức và quan trọng hơn, trẻ thì dễ nhồi. Thế nên mới có chuyện cảnh sát cơ động hào hứng khoe với nhau là sắp vào trận (đánh dân như) đánh chó.
Năm 2016-2017 biểu tình ở Formosa, chính quyền cũng nhanh chóng triển khai hàng nghìn công an, cơ động từ các địa phương khác về địa bàn miền Trung. Đằng nào thì chúng cũng không trực tiếp tiêu thụ hải sản miền Trung hay hít thở không khí, tận hưởng môi trường miền Trung. Chúng chỉ biết là được nhận lương, thưởng hàng tháng từ sếp của chúng, đảng của chúng, chứ dân nào mà nuôi chúng cơ chứ? (Thực tế là công an, quân đội của đảng Cộng sản đều nghĩ như vậy chứ không có khái niệm gì về “thuế của dân” cả. Công an mà tư duy được rằng cảnh sát là một hình thức dịch vụ công và lương của họ là do dân đóng thuế mà ra, thì đã chẳng phải là “công an nhân dân Việt Nam” anh hùng nữa).
Đồng thời với đó, dàn loa gồm Đài Truyền hình Việt gian, Đài Tiếng nói Việt gian… và nhiều cơ quan báo chí ăn cơm Đảng khác cũng ra rả giáo huấn người dân “yêu nước đúng cách”, “yêu nước theo quỹ đạo, đúng chuẩn mực”, “không để thế lực thù địch lợi dụng”… Chúng khéo léo lờ tịt đi nguyên nhân nào, những kẻ nào đã đẩy người dân đến nỗi bất mãn, căm hận hiện nay, chúng chỉ một mực nhấn mạnh chuyện thế lực thù địch “lợi dụng tình hình để kích động gây rối”, “sử dụng chiêu bài yêu nước để phá hoại”. Thậm chí mấy biên tập viên Việt gian còn vô liêm sỉ tới mức cố trèo được vào cái gọi là “sản phẩm báo chí” của chúng dăm ba câu khen ngợi Đảng và Nhà nước đã rất cầu thị, biết lắng nghe nguyện vọng của nhân dân mà hoãn việc thông qua Luật Đặc khu, để tiếp tục thảo luận cho thấu đáo hơn, sát với nguyện vọng của người dân hơn nữa.
Sử dụng chiêu bài “bảo vệ trật tự trị an”, tà quyền đang huy động tổng lực bộ máy đàn áp của chúng vào đối đầu với nhân dân – cả bằng xe tăng, trực thăng, súng đạn, lẫn bàn phím và những cái loa ngậm máu phun người.
Để đối phó với chúng, những người dân tay không tấc sắt có thể làm gì?
Thông tin, thông tin và thông tin. Sức mạnh của cộng sản là truyền thống và kỹ năng bưng bít thông tin, nhồi sọ dân chúng. Nỗi sợ của cộng sản, tương ứng với đó, là sự thật, sự công khai, minh bạch, sợ bị phơi áo, nhất là phơi áo ra bên ngoài, trên cộng đồng quốc tế.
Hãy lan tỏa thật mạnh mẽ thông tin về những chiêu trò đàn áp của tà quyền, những gì chúng đã, đang và sắp làm. Lan tỏa bằng bất kỳ cách nào bạn có thể: viết, share trên Facebook/ Twitter và các mạng xã hội khác; viết bằng tiếng Anh hay bất kỳ thứ tiếng nào khác để chia sẻ ở lớp học ngoại ngữ của bạn; bàn về chuyện Phan Rí, kể lại các câu chuyện Thái Bình, Đồng Tâm ngày nào, Phan Rí hôm nay… cho bạn bè, người thân, anh chị em trong cộng đồng/ tổ chức của bạn; kể cho những người bạn nước ngoài của bạn…
Hãy sống để kể lại. Những câu chuyện các bạn kể hôm nay thực ra có một tác dụng lớn vô cùng, vượt ra ngoài giá trị “cho vui” của nó: Đó chính là một thứ vũ khí tuyệt vời để chống độc tài. Kẻ ác (và ngu muội) có thể không ngán làm điều ác trong ngắn hạn, nhưng trong dài hạn, nhất là trong thâm tâm, chúng rất sợ những gì chúng làm bị ghi lại, chưa cần biết có phải là sẽ “đi vào lịch sử” hay không.