NHỮNG AI ĐÃ CHẾT VÌ SÔNG NÚI
SẼ SỐNG MUÔN ĐỜI VỚI NÚI SÔNG
Vâng điều chắc chắn là những Anh Hùng Vô Danh cũng như những Anh Hùng Hữu Danh này sẽ sống muôn đời với Núi Sông. Nhưng điều đáng buồn là có những người mà tên tuổi đã dần dần mai một, vì người biết về họ đã không còn nhắc đến họ, và người cùng thời cũng đã quên họ thì làm sao những thế hệ sau sẽ biết đến họ, để rồi cuối cùng thì chính lịch sử cũng sẽ không còn biết họ là ai.
Chúng ta sở dĩ biết đến Anh Hùng Trần Văn Bá vì nhiều người nhắc đến anh, hàng năm còn có những buổi lể để tưởng niệm anh. Nhưng không phải chúng ta chỉ có mỗi Anh Hùng Trần Văn Bá mà chúng ta còn có hàng ngàn những anh hùng như Trần Văn Bá, trong đó có các lãnh đạo tôn giáo, các trí thức, các sinh viên học sinh, các quân nhân không chịu buông súng tiếp tục chiến đấu trong các tổ chức Kháng Chiến, Phục Quốc sau ngày 30/4/1975, đa số đã hy sinh hay bị việt cộng tử hình, số còn lại thì bị giam giữ nhiều năm trong các trại lao tù khổ sai nơi rừng thiêng nước độc. Ngày hôm nay những Anh Hùng này đang dần dần bị lãng quên, và nếu chúng ta những người cùng thời, những người biết về họ mà chúng ta không nói lên thì không những chúng ta là người vô trách nhiệm, mà chúng ta còn là kẻ vô ơn đối với những người đã hy sinh mạng sống của họ để cho chúng ta được sống.
Tại sao bọn việt cộng chúng còn dám tưởng tượng để dựng lên một thằng nhóc Lê Văn Tám đốt kho xăng, môt con dân công bị trúng hàng trăm viên đạn mà vẫn còn hăng say tải đạn, hay một tên Tô Vĩnh Diện người thì như que củi mà dùng thân mình để chặn pháo có khác nào con chàng hiu ôm quả đu đủ, và còn nhiều nhân vật tưởng tượng nữa. Mục đích của chúng là lừa bịp, để kích động tinh thần của đám việt cộng ngu ngốc sẵn sàng chết cho tham vọng xây dựng chế độ công sản hoang tưởng của chúng.
Thế thì tại sao chúng ta có hàng ngàn anh hùng bằng xương bằng thịt, họ đã cống hiến đời mình cho lý tưởng tự do mà chúng ta lại nhẫn tâm để tên tuổi họ chìm vào quên lãng.Trong tâm tình này tôi khẩn thiết yêu cầu mọi người chúng ta hãy mạnh dạn nói lên những điều mình biết về sự hy sinh của một người nào đó, để hy sinh của họ không bị lãng quên, và lịch sử cũng dành cho họ một vị trí xứng đáng.
Hai người mà tôi đề cập đến đó là Luật Sư-Giáo Sư Trần Thanh Đình người sáng lập Mặt Trận Quốc Gia Giải Phóng Việt Nam, và người thứ hai là Hạ sĩ Biệt Động Quân Nguyễn Việt Hưng người lãnh đạo cuộc nổi dậy tại Nhà Thờ Vinh Sơn.
- LUẬT SƯ GIÁO SƯ TRẦN THANH ĐÌNH, NGƯỜI SÁNG LẬP MẶT TRẬN QUỐC GIA GIẢI PHÓNG VIỆT NAM.

Có thể tên ông xa lạ với nhiều người, nhưng với những người từng tham gia các tổ chức Phục Quốc, cũng như những người bị việt cộng bắt giam vì tham gia các tổ chức kháng chiến sau NGÀY 30/4/1975 thì tên ông không xa lạ gì, và đặc biệt là khi ông bị việt cộng xử bắn vào tháng 11 năm 1979.
Người viết bài này có hân hạnh được biết ông khi người viết còn là một cậu bé hàng xóm 19 tuổi. Ngày đó tôi là một cậu bé từ tỉnh lẻ Biên Hoà lên Sài Gòn trọ học, nơi tôi ở trọ nằm trong hẻm chuồng bò thuộc Giáo Xứ Tân Chí Linh khu Ông Tạ, đây là nhà của người cô ruột đã dọn về Biên Hoà, mà căn nhà chính thì cho người khác thuê, còn tôi thì ở cái gác xép được cất thêm ở đằng sau. Bên cạnh là nhà của gia đình Luật Sư Trần Thanh Đình, căn nhà này gia đình ông cũng thuê lại của người nào đó. Hầu hết dân sống trong Hẻm Chuồng Bò đều là dân lao động hoặc buôn thúng bán bưng, nên sự xuất hiện của gia đình ông cũng tạo nên sự tò mò của một vài người trong đó có thằng Chiểu bạn cùng trọ học và tôi. Hàng ngày thấy chừng 5 hay 6 cô con gái xinh đẹp của ông trong áo dài nội hoá thướt tha dịu dàng cắp sách đến trường khiến mấy đứa choai choai mới lớn như chúng tôi cũng cảm thấy vui vui.
Trong suốt gần 3 năm chưa bao giờ nghe trong nhà có điều gì to tiếng, dường như không khí hạnh phúc luôn bao trùm quanh căn nhà. Còn ông lúc nào cũng luôn ăn mặc tươm tất chỉnh tề, áo chemise trắng bỏ trong chiếc quần tây mầu xậm, đi giầy hoặc đi sandal da, họa hoằn lắm mới thấy ông trong bộ pyjama đứng trong sân nhà. Mỗi lần thấy ông tôi chỉ nhìn ông rồi gật đầu chào chứ không dám nhìn lâu, giống như cậu học trò không thuộc bài không dám nhìn vào thẳng ông thầy, chẳng phải vì mặc cảm mà chỉ vì ông có đôi mắt thật sáng nằm trên một gương mặt thật cương nghị, với vóc dáng cao lớn mảnh khảnh, ông không có nét của một nhà giáo mà có cái nét của một người lăn lộn trên trường đời, hay nói đúng hơn là của một người lãnh đạo chính trị, lãnh đạo đấu tranh.
Một đôi lần ông gợi chuyện hỏi thăm tôi về chuyện học hành và chỉ có thế thôi. Nhưng có một lần tôi còn nhớ và đó cũng là lần sau cùng tôi đứng hầu chuyện với ông khoảng chừng trên 20 phút. Vào khoảng cuối tháng 5/1968 lúc đó tổng công kích đợt 2 vừa nổ ra, ông và tôi đang đứng nhìn về hướng Hóc Môn nơi đang có những cuộc giao tranh, máy bay skyraider vòng qua vòng lại thả bom, nhiều cột khói đen bốc lên trên nền trời, ông hỏi tôi là liệu tình hình rồi có yên ổn không, tôi chỉ biết trả lời ông theo cái suy nghĩ hạn hẹp của một thằng bé 19 tuổi, tôi có thói quen của người Miền Nam là khi đối thoại với người đáng tuổi cha mẹ thường hay xưng con nên tôi trả lời.
- Theo con nghĩ thì thế nào cũng yên thôi bác, giống như hôm Tết việt cộng họ tràn vào tấn công ở dưới Biên Hoà nơi bố mẹ con ở, mới đầu họ chiếm nhiều khu phố đối diện với Quân Đoàn, nhưng cuối cùng họ cũng bị tiêu diệt, lần này theo con thì cũng vậy thôi bác ạ.
- Người dân mình thật đáng thương, người Bắc mình đã phải chạy trốn chúng nó mà chúng nó vẫn không tha, rồi đây lại thêm nhiều người tan cửa nát nhà. Nói đoạn ông chép miệng thở dài.
Tôi buột miệng nói với ông
- Thằng Chiểu bạn con, nó hay ngồi đây chơi đàn chắc bác cũng có thấy, nó chết rồi bác ạ ! nó bị động viên đi học Hạ Sĩ Quan vừa mới ra trường thì tử trận đợt Tết vừa rồi tại Huế. Còn con thì đã tình nguyện nhập ngũ, thứ hai tới đây con cũng vào lính rồi, tình hình này con chẳng an tâm ngồi học được nữa bác ạ, nhân tiên đây con cũng chào bác để thứ hai con đi.
Ông chỉ nói một câu
- Quốc Gia hưng vong , thất phu hữu trách. Mỗi người ai cũng phải làm một cái gì chứ không thể ngồi yên. Cả đời tôi cũng đã trăn trở, lăn lộn ngược xuôi về Quê Hương Đất Nước, mà rồi cũng chẳng làm được cái gì, lực bất tòng tâm. Thôi tôi chúc cậu đi được bình an, hãy luôn tin vào sự quan phòng của Chúa.
Đó là lần sau cùng tôi gặp và tiếp chuyện với ông. Đến năm 1970 thì tôi được biết gia đình ông đã rời sang Khu Hẻm Khuông Việt. Mấy chị lớn đã tốt nghiệp đại học, còn mấy cô cậu bé có người cũng vừa đậu tú tài 1, tú tài 2. Gia đình ông quả là một gia đình nề nếp, lễ giáo gia phong và hầu như các con ông đều thành đạt trên đường học vấn.
Câu chuyện tôi tình cờ biết về gia đình một người hàng xóm tưởng chừng như chắm dứt ở đây. Nhưng rồi cũng lại tình cờ tôi lại được tin ông, đúng hơn là một hung tin.
Mùa đông năm 1979, lúc đó tôi đang ở tù tại Trại K1 Tân Lập Vĩnh Phú, tối hôm đó sau khi điểm danh vào phòng thì như thường lệ chúng mở loa bắt mọi người phải nghe đài phát thanh Hà Nội, thông thường thì anh em chúng tôi tán gẫu với nhau, hoặc hát nhạc vàng”tiếng hát át tiếng loa”chứ chẳng ai thèm nghe cái đài việt cộng, người dân Hà Nội đã chẳng nói với nhau rằng”chỉ có mỗi tiếng tít tít trên đài báo hiệu giờ là đúng thôi, còn ngoài ra toàn là tin láo”.
Nhưng tối hôm đó không biết vì sao mà nó oang oang đến nhức tai. Chúng loan tin là ngày hôm nay trong Sài Gòn chúng đã xử tử Luật Sư Trần Thanh Đình Chủ Tịch Măt Trận Quốc Gia Giải Phóng Việt Nam, ngoài ra chúng cũng đã bắt Linh mục Nguyễn Văn Vàng người kế tiếp thay ông làm chủ tịch, và người em là Trung Tá Nguyễn Văn Viên. Nghe đến đây tôi bàng hoàng nhớ về ông hàng xóm năm nào. Tôi thầm cầu người đó không phải là ông, còn nếu là ông thì hy vọng gia đình phải biết tin vì chúng nó đã công khai nói ở trên đài, chứ đừng bị như nhiều anh em tù ở đây chết mà chúng không cho gia đình biết một tin gì. Tôi hẹn với lòng là nếu còn có ngày về thì thế nào cũng sẽ tìm đến để chia buồn với gia đình, đọc cho ông một kinh và thắp cho ông một nén nhang dù chỉ là một nén nhang muộn.

Sau năm 1983 tôi được thả về. Tôi đã tìm đến Khu Khuông Việt đôi lần nhưng hỏi thăm vài người thì họ nói không biết, cũng có thể họ biết nhưng không dám nói vì sợ liên lụy, nhất là tôi lại hỏi thăm về một người đã bị bọn chúng tử hình. Sau đó thì cuối năm 1991 tôi được đi tái định cư tại Hoa Kỳ theo chương trình HO.
Đến khoảng năm 2006 tình cờ tôi lại được nghe cụ Hoàng Nguyên nhắc đến ông trong một chương trình cụ nói về Cụ Lý Đông A trên Đài Phát Thanh Sống Trên Đất Mỹ, cụ cho biết Luật Sư Trần Thanh Đình là người học trò duy nhất của cụ Lý Đông A, người đã hoạt động cùng cụ Lý Đông A trong Đại Việt Duy Dân Đảng trong suốt thời gian chống Pháp và chống Việt Minh từ năm 1943 đến 1946. Sau 30/4/1975 , vào tháng 2/1976 ông thành lập và lãnh đạo tổ chức Mặt Trận Quốc Gia Giải Phóng Việt Nam, hoạt động đến cuối 1976 thì ông bị việt cộng bắt và tử hình vào tháng 11/1979. Tôi có gọi cụ hỏi thêm vài chi tiết, nhưng cụ cũng chẳng biết thêm gì hơn.
Rồi như một định mệnh đã được sắp đặt trước, thật tình cờ và cũng thật ngẫu nhiên. Số là cách đây vài năm trong một đám tang vợ của một người bạn vong niên. Sau đám tang tình cờ tôi nói chuyện với một người bạn mà tôi quen biết cũng đã gần chục năm, chúng tôi thường xuyên liên lạc nói chuyện với nhau hầu như hàng ngày, nhưng chưa bao giờ tôi nói với ông về câu chuyện này. Sau khi nghe xong người bạn tôi bèn cho biết ông có quen biết với gia đình của Luật Sư Trần Thanh Đình và hiện gia đình tất cả đang định cư tại Hoa Kỳ. Nghe đến đây tôi thầm cảm tạ ơn Trời, chí ít ra Trời cũng dành cho ông một điều an ủi là những ngươi thân thương ruột thịt của ông đã thoát được khỏi tay bọn cộng sản vô thần.
Đúng như lời ông viết”Cậu thương mợ và các con lắm, nhưng rồi ta lại được gặp nhau sau này”. Hẳn ông cũng đã mỉm cuời an nghỉ trong vòng tay quan phòng của Thiên Chúa.

Kính mong những ai biết về ông, những ai có thời gian ở tù chung với ông, xin hãy viết ra. Kính xin các nhà sử học, các nhà biên khảo hãy sưu tầm các tài liệu để đưa vào lịch sử, ngõ hầu sự hy sinh của ông và các chiến hữu trong Mặt Trận Quốc Gia Giải Phóng Việt Nam không bị lãng quên.
Muốn biết thêm về tổ chức MẶT TRẬN QUỐC GIA GIẢI PHÓNG VIỆT NAM xin vui lòng vào link bên dưới
Nguồn: http://pham-v-thanh.blogspot.com/2012/04/toan-canh-mat-tran-quoc-gia-giai-phong.html
Biệt Động Quân Đoàn Trọng Hiếu. Tháng 8/2021
- HẠ SĨ BIỆT ĐỘNG QUÂN NGUYỄN VIỆT HƯNG VỚI VỤ NHÀ THỜ VINH SƠN
Vụ biến động tại Nhà Thờ Vinh Sơn có rất ít dữ liệu, tuy nhiên trong đó có nơi thì nói đến có một sĩ quan Biệt Động Quân, có nơi thì nói có một Hạ Sĩ Quan Biệt Động Quân tên Nguyễn Việt Hưng tham gia. Riêng tôi thì cái tên Nguyễn Việt Hưng không lấy gì làm xa lạ, vì đã có một người Binh Nhất rất là đặc biệt ở trong trung đội của tôi.
Khoảng tháng 8/1969 khi tôi đang là trung đội trưởng trung đội 2 thuộc Đại Đội 3 Tiểu Đoàn 52 Biệt Động Quân. Lúc đó trung đội đang nằm ở Cửa Đông Môn trên sông Đồng Nai nhằm ngăn chặn bọn đặc công thuỷ của việt cộng xâm nhập từ Hang Nai, Phước Thiền thuộc Quận Long Thành Biên Hoà vào Sài Gòn, hoặc tấn công vào Kho đạn Thành Tuy Hạ.
Vào môt buổi chiều có một binh sĩ cấp bậc Binh Nhất mới được đưa về trung đội theo chuyến canô tiếp tế đến. Binh nhất này tên Nguyễn Việt Hưng, nhìn có vẻ quen quen nên sau khi anh trình diện xong tôi bèn hỏi
- Tôi thấy anh có vẻ quen quen, không biết đã gặp anh ở đâu? Dường như ở khu Ông Tạ, hay tại cà phê Thăng Long không biết có phải không?
- Tôi cũng quanh quẩn ở khu đó thiếu úy, nhưng có thể là người giống người thôi. Anh trả lời.
- Thì cũng có thể, nhưng nhìn gương mặt anh tôi thấy có cái gì không giống mấy anh em khác. Tôi nghe Đ/u Thương đại đội trưởng cho biết anh là môt “Lao Công Đào Binh” vừa mới phục hồi đúng không? Tôi hỏi tiếp.
- Dạ đúng thiếu uý, tôi làm “Lao Công Đào Binh”cho Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân 6 tháng thì được phục hồi và phân bổ về đây.
- Anh có thể cho tôi biết trước anh ở đơn vị nào và tại sao lại bị đi “ Lao Công Đào Binh“ không?
- Dạ trước tôi ở Sư Đoàn 5 Bộ Binh. Câu chuyện dài dòng lắm, thiếu uý cho phép khi khác tôi sẽ trình thiếu uý rõ sau.
- Ừ thôi vậy cũng được, anh xuống tiểu đội khinh binh của Trung sĩ Bình ở góc đằng kia. Nói đoạn tôi cho người hiệu thính viên xuống gọi Tr/s Bình lên nhận anh về dưới tiểu đội.
Ít ngày sau thì trung đội tôi bị việt cộng lén vào giật mìn, lúc đó khoảng 11 giờ đêm khiến Hạ sĩ Long hy sinh, B1 Đời và B1 Bảy xạ thủ đại liên bị thương nặng. Sau khi băng bó cầm máu cho hai người bị thương tôi xin trực thăng tải thương. Vì quân số thời gian này một trung đội chỉ khoảng 17 người nên sau khi một chết hai bị thương thì quân số còn lại của trung đội quá eo hẹp, khoảng gần chục người đã phải bung rộng ra làm an ninh bãi đáp, số còn lại chỉ vừa đủ khiêng hai cái cáng cho hai người bị thương, nên tôi giao cho Hưng cõng người tử trận.
Khu vực bãi đáp vì thuỷ triều lên nên nước ngập đến bụng, khi trực thăng đáp lơ lửng trên mặt nước là chúng tôi vội chuyển người lên. Khoảng 15 phút sau thì Chuẩn úy Khuê gọi cho tôi báo là chỉ nhận có hai người bị thương, vì trực thăng Mỹ họ không chở người chết, nên có thể họ đẩy xuống rồi. Nghe xong tôi vội lệnh cho toàn trung đội ra khu bãi đáp để mò xem có xác của Hạ Sĩ Long không, cả trung đội quần qua quần lại hơn 20 phút cũng không thấy gì, tôi hỏi Hưng là anh có chắc đã bỏ lên trực thăng không mà sao Chuẩn Uý Khuê nói không thấy, Hưng trả lời chắc nịch
- Tôi cõng nó trên lưng, khi ra đến trực thăng thì thằng Mỹ ngồi ở bên hông còn phụ kéo thằng Long lên mà thiếu úy.
Ngay sau đó thì Chuẩn Uý Khuê gọi
- Báo cho Minh Hiếu biết đã thấy thằng em đi phép dài hạn rồi, thằng Mỹ nó đặt vào ghế xạ thủ cây đại liên rồi kéo cửa lại, giờ xuống đến Cộng Hoà mới biết.
Báo hại cả trung đội ngâm dưới nước cả gần tiếng đồng hồ lạnh run cầm cập. Sáng hôm sau tôi gọi Trung Sĩ Bình và Hưng lên, tôi cho Hưng biết là anh bây giờ thay HS Long làm tổ trưởng một tổ khinh binh. Phải nói Hưng là người có trách nhiệm cao, việc phát quang, gài mìn hay bất cứ nhiệm vụ gì giao thì tổ khinh binh đều sẵn sàng nhận đảm trách và hoàn thành.
Rồi một hôm tôi nhận được lệnh cho Hưng về trình diện BCH Tiểu Đoàn, tôi không biết lý do gì. Khoảng một tháng sau khi đại đội hoán chuyển vị trí cho đại đội khác và về nằm tại Sân Bắn Bình Trưng Giòng Ông Tố thì Hưng ghé thăm tôi. Tôi rất ngạc nhiên vì trông Hưng giống như một công chức cao cấp, anh mặc đồ vest, đi xe mang bảng số NG, anh chỉ nói trên đường đi công tác ở Thủ Đức, ghé qua BCH Tiểu Đoàn hỏi thiếu uý ở đâu để ghé thăm thôi. Tưởng chừng như cuộc đời của Binh Nhất Nguyễn Việt Hưng đã qua một ngã rẽ khác. Nhưng không, gần 3 tháng sau Hưng lại khăn gói balô trở về đơn vị, tôi có hỏi nhưng Hưng rất kín miệng, anh chỉ nói:” thì mình được biệt phái công tác, xong nhiêm vụ thì lại trở về nhiệm sở cũ thôi thiếu uý”.
Qua vài lần nói chuyện,tôi biết Hưng đã tốt nghiệp đại học, nhưng vì có dính líu đến chính trị nên anh đã bị đưa làm Binh Nhì ở Sư Đoàn 5 Bộ Binh và không cho phép lai vãng về Sài Gòn. Tại Sư Đoàn 5 có vài người biết anh nên xin cho anh về làm ở Phòng Tâm Lý Chiến Sư Đoàn. Một lần nhớ Sài Gòn quá anh dù về thì bị An Ninh Quân Đội bắt và kết tội đào ngũ đưa đi “Lao Công Đào Binh” như đã nói ở trên. Có lần tôi nói Hưng nôp đơn đi khoá sĩ quan, anh chỉ cưới và nói” tôi đâu có khả năng để học sĩ quan, khi nào có khóa hạ sĩ quan thiếu uý cho tôi đi”
Thỉnh thoảng cứ vào chiều chủ nhật Hưng thường xin tôi cho anh đưa vợ xuống Biên Hoà, vì vợ anh dạy học ở Trường Ngô Quyền và ở lại đạy cho đến thứ bảy mới về, sau này tôi biết vợ anh là giáo sư dạy Anh văn lớp đệ nhất của cô em tôi.
Khoảng tháng 3/1970 thì Hưng lên Hạ Sĩ, còn tôi thì đi học Rừng Núi Sình Lầy tại Dục Mỹ đến cuối tháng 5/1970 mới trở về, tôi chỉ nghe nói lại là Hưng bị thương nhẹ khi đánh qua Mật Khu Ba Thu, rồi từ đó không thấy Hưng trở về đơn vị nữa.
Sau khi định cư tại Mỹ, tôi đọc một vài bài viết nói về vụ Nhà Thờ Vinh Sơn, trong đó có nói một sĩ quan ( Hạ Sĩ Quan) Biệt Động Quân tên Nguyễn Việt Hưng bị việt cộng xử tử cùng với Linh Mục Nguyễn Hữu Nghị và anh Nguyễn Xuân Hùng. Tôi nghĩ đây chính là Nguyễn Việt Hưng, người Hạ Sĩ Biệt Động Quân của Đại Đội 3 Tiểu Đoàn 52 Biệt Động Quân, một người lính BĐQ vô cùng đặc biệt mà tôi đã có vinh dự là người trung đội trưởng của anh.
Xin Thành Kính Tri Ân những anh hùng Vị Quốc Vong Thân. Cầu xin cho sự hy sinh của các anh không bị rơi vào quên lãng.
Có thể tìm hiểu thêm tại link
Nguồn: http://pham-v-thanh.blogspot.com/2012/04/toan-canh-mat-tran-quoc-gia-giai-phong.html
Biệt Động Quân Đoàn Trọng Hiếu
Tháng 8/2021